Võ thuật ở Hàn Quốc có lịch sử lâu đời bắt đầu từ thời cổ đại.
Taekwondo môn võ thuật của Hàn Quốc có thể truy nguyên thấy bắt nguồn
từ triều đại Hoguryo năm 37 trước công nguyên. Những bức tranh vẽ trên
tường cảnh những người đàn ông đang tập luyện Taekwondo được tìm thấy
nơi tàn tích của mồ mả hoàng gia Muyongchong và Kakchu-chong xây cất
trong khoảng từ năm thứ 3 đến năm 427 sau công nguyên.
Trên trần của Muyong-chong có bức tranh mô tả cảnh 2 người đàn ông đối
diện nhau trong một tư thế tập luyện Taekwondo. Khởi đầu, môn võ thuật
này có tên là Subakhi.
Taekwondo cũng được tập luyện suốt triều đại Silla một vương quốc được
thành lập ở đông nam Korea vào khoảng 20 năm trước triều đại Koguryo ở
phía bắc. Tại Kyongju, kinh đô trước đây của Silla, hình 2 vị Kim Cang
trừ ma diệt quỷ bảo vệ phật giáo trong tư thế tấn Taekwondo được khắc
trên bức tường trong hang động Sokkuram ở đền Pulkuk-sa.
Con cháu của giới quý tộc ở Silla đã được tuyển tập trung thành nhóm
được gọi là Hwarangdo một tổ chức quân đội, giáo dục và xã hội. Trong
thời gian này tổ chức Hwarangdo đã có ảnh hưởng rất lớn và làm phong
phú thêm cho nền văn hoá và võ thuật Korea.
Nhiều tài liệu cho thấy tổ chức này không chỉ xem việc tập luyện
Taekwondo như là phần thiết yếu trong huấn luyện quân đội và tăng cường
thể chất mà còn phát triển Taekwondo như là một hoạt động giải trí. Các
khám phá nghệ thuật cổ như các bức tranh trên tường ở những ngôi mộ của
triều đại Kyoguryo, các hình ảnh khắc trên đá ở những đền, chùa được
xây dựng trong khoảng thời gian của triều đại Silla và nhiều tài liệu
cho thấy các thế tấn, kỹ thuật và hình dáng rất giống với các thế tấn
và hình dáng của Taekwondo ngày nay.
Trong lịch sử của Triều Tiên (918-1392), Taekwondo, lúc bấy giờ được
gọi là Subakhi, được tập luyện không chỉ được xem như là một kỹ năng để
tăng cường sức khoẻ mà nó còn được khuyến khích tập luyện như một một
võ thuật có giá trị cao.
Có ít nhất là hai tài liệu được ghi chép trong thời gian đó cho thấy
rằng Subakhi đã trở nên rất phổ biến đến nỗi nó được đem biểu diễn cho
hoàng đế xem. Điều này có nghĩa là Subakhi đã được tập luyện như một
môn thể thao có tổ chức cho khán giả xem và các chuyên gia cho rằng vào
thời gian đó người Hàn Quốc rất thích khía cạnh thi đấu của võ thuật.
Thời gian của triều đại Chosun có một quyển sách phát hành về dạy
Taekwondo như một môn võ thuật. Nó đã trở thành phổ biến hơn với công
chúng, ngược lại với triều đại Koryo trước đây, Taekwondo chỉ độc quyền
cho quân đội.
Một tài liệu lịch sử viết người dân của tỉnh Chungchong và Cholla đã tụ
tập ở một làng tổ chức thi đấu Subakhi. Tài liệu này cho thấy Subakhi
đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động thể thao quần chúng.
Hơn thế nữa, dân chúng muốn tham gia vào quân đội của hoàng gia rất háo
hức tập luyện Subakhi bởi vì nó là môn kiểm tra chính trong chương
trình tuyển chọn.
Đặc biệt, Vua Chonjo (1777-1800) phát hành một bộ sách giáo khoa về
phong tục và tập quán Hàn Quốc có tựa đề là Chaemulbo, trong đó nói
rằng Subakhi được gọi là “Taekkyon”, tên trước khi được gọi là
Taekwondo.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng ở đây không chỉ là tên được
thay đổi mà cả kỹ thuật cũng thay đổi một cách đột ngột. Trong giai
đoạn lịch sử Subakhi trước đó, kỹ thuật tay được nhấn mạnh.
Các tài liệu lịch sử có liên quan đến Taekkyon được xuất bản vào khoảng
cuối thế kỷ 19 ghi lại rằng nó là một nghệ thuật được đặt phần lớn trên
các kỹ thuật chân. Lúc bấy giờ, Taekkyon thật sự là một môn thi đấu có
hệ thống tập trung vào kỹ thuật chân và chiến thuật.
Vì vậy thật là rõ ràng trong suốt thời gian triều đại Chonsun, Subakhi
đã trở thành một môn thể thao quốc gia quan trọng và thu hút sự chú ý
của cả hoàng gia lẫn công chúng.
Vào cuối triều đại Chonsun, Subakhi bắt đầu suy tàn vì sự bỏ mặc của
hoàng gia cũng như sự ăn sâu của đạo Khổng đề cao giá trị văn chương.
Subahi chỉ tồn tại như một hoạt động giải trí của người dân thường.
Vào cuối thế kỷ 19, quân đội Hàn Quốc suy yếu, người Nhật đô hộ đất
nước. Sự áp bức của đế quốc Nhật đối với dân Hàn Quốc rất hà khắc và
việc tập luyện võ thuật được xem nguồn gốc của sự nổi loạn bị cấm đoán.
Tuy nhiên, các tổ chức kháng Nhật sử dụng Taekwondo như một phương pháp huấn luyện tinh thần và thể chất.
Sau giải phóng vào 15/8/1945, những người có nguyện vọng khôi phục lại môn võ thuật cổ truyền Taekwondo bắt đầu dạy trở lại.
Cuối cùng vào tháng 9/1961, Hội Taekwondo Hàn Quốc được thành lập.
Tháng 10/ 1963, Taekwondo đã trở thành môn thi đấu chính thức lần đầu
tiên tại Đại hội Thể Thao Quốc Gia. Vào những 1960, huấn luyện viên Hàn
quốc bắt đầu ra nước ngoài phổ biến Taekwondo. Đây là bước ngoặc trong
lịch sử phát triển của môn võ này.
Taekwondo được xem như môn thể thao thế giới tại Giải Vô địch Thế giới
lần 1 được tổ chức tại Seoul 1973 với 19 quốc gia tham dự.
Tại cuộc họp ở Seoul được tổ chức bên lề của giải Vô địch Taekwondo Thế
giới lần 1, đại diện của các quốc gia tham dự đã thành lập Liên đoàn
TKD Thế giới. Từ đó, giải Vô địch Taekwondo Thế giới được tổ chức 2 năm
một lần.
Hiện nay Liên đoàn Taekwondo Thế giới có 166 quốc gia thành viên toàn
thế giới, với khoảng 50.000.0000 người tập luyện. IOC đã công nhận
Taekwondo là môn thể thao quốc tế tại đại hội lần thứ 83 năm 1980,
Taekwondo được công nhận là môn thi đấu giành huy chương tại Thế vận
hội Olympic Sydney 2000 và 2004 sắp tới.
Taekwondo được người dân Sài Gòn biết đến rất sớm khi đích thân võ sư
Choi Hong Hi hướng dẫn một đoàn võ sư Triều Tiên sang biểu diễn tại sân
Tao Đàn vào năm 1959.
Ba năm sau đó, khoá đào tạo huấn luyện viên Taekwondo đầu tiên cho
người Việt Nam được tổ chức tại trường Vũ Thuật và Thể Dục Quân Sự Thủ
Đức, từ đầu tháng 12/1962 đến ngày 16/11/1963 với sự tham gia của trên
70 học viên do võ sư Nam Tae Hi (đai đen 7 đẳng) và ba võ sư 5 đẳng
hướng dẫn. Trải qua 6 tháng tập luyện lớp còn lại 56 học viên và đến
khi kết thúc khoá học, chỉ có 9 người đạt đai đen nhất đẳng, trong đó
có võ sư Khúc Văn Bón, Nguyễn Long Vân…
Theo kế hoạch, các khoá 2, 3… đào tạo huấn luyện viên tiếp tục khai
giảng, nâng dần số huấn luyện viên lên đến trên 100 người. Với tinh
thần khoa học, đại chúng và yêu cầu tổ chức một lớp tập khá đơn giản,
đến đầu năm 1964, tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) đã xuất
hiện 5 võ đường Taekwondo là Judonam, Cộng Hòa, Lạc Long, Lê Văn Duyệt
và Thủ Đức. Từ những bước đầu chập chững, phong trào luyện tập ngày
càng lớn mạnh và đến tháng 2 năm 1966, Tổng cuộc Taekwondo miền Nam
chính thức chào đời. Cũng trong năm này, Tổng cuộc đã tổ chức giải vô
địch toàn miền Nam, và đến năm 1968, số người tập luyện Taekwondo ở
miền Nam Việt Nam lên đến khoảng trăm ngàn. Chẳng những tăng nhanh về
số lượng, chất lượng đào tạo cũng khá tốt. Ngay trong kỳ tranh tài quốc
tế đầu tiên, đoàn Taekwondo miền Nam (6 nam – 2 nữ) đã giành được 7 huy
chương vàng, 2 bạc, 3 đồng tại giải Vô dịch Châu Á lần thứ 1 (Hồng
Kông, 26-28/9/1969). Đến giải Vô địch Châu Á lần thứ 2 (Malaysia,
9-22/3/1981), 8 võ sĩ Taekwondo miền Nam Việt Nam chiếm 4 huy chương
vàng, 3 huy chương bạc, 2 huy chương đồng và 5 cúp bạc.
Sau ngày đất nước thống nhất, phong trào luyện tập Taekwondo tạm lắng.
Đến năm 1977, một chương trình biểu diễn giới thiệu môn võ này tại Câu
lạc bộ Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng (Quận 3 – TP. Hồ Chí Minh) đã
gây được ấn tượng tốt đẹp. Từ đó, Taekwondo dần dần khôi phục với nhiều
điểm tập mở ra trong thành phố. Năm 1989, Hội Taekwondo thành phố Hồ
Chí Minh hình thành và vào thời điểm này, hơn 20 tỉnh, thành trên toàn
quốc có phong trào tập luyện. Để khôi phục được phong trào, nhiều võ sư
Taekwondo của thành phố Hồ Chí Minh đã lặn lội đến các tỉnh, thành bạn
để hổ trợ tập huấn, chấm thi… Những năm sau, các giải Trẻ, Cúp các Câu
Lạc Bộ Mạnh, Vô Địch Toàn Quốc được tiến hành đều đặn với số lượng và
chất lượng ngày càng tăng tiến. Nhằm trao đổi kinh nghiệm, học tập và
tạo điều kiện cho các võ sĩ Việt Nam cọ xát quốc tế, từ năm 1962, Sở
Thể Dục Thể Thao TP. Hồ Chí Minh còn tổ chức giải Taekwondo Quốc Tế
hàng năm (nay là giải Taekwondo Quốc Tế Samsung). Đây là giải mà Hiệp
Hội Taekwondo Châu Á đánh giá cao về số lượng các nước tham gia ngày
càng đông, đạt chất lượng tốt về chuyên môn và tổ chức. Vài năm gần
đây, thủ đô Hà Nội cũng tổ chức một giải quốc tế như trên. Là một trong
những môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam, Taekwondo được ngành Thể dục
Thể thao các cấp quan tâm và đầu tư. Rất nhiều tỉnh, thành đã đưa bộ
môn vào trường Nghiệp vụ. Riêng đội tuyển quốc gia đều sang Hàn Quốc,
Đài Loan tập huấn 1-2 lần/năm, tuyến trẻ của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
cũng được dự các giải quốc tế và học hỏi ở nước ngoài. Song song đó,
đội ngũ huấn luyện viên, trọng tài cũng được nâng cao trình độ, hiện
nay Taekwondo Việt nam có khoảng 500 huấn luyện viên đã qua lớp bồi
duỡng do Ủy Ban Olympic Quốc Tế (I.O.C.) tài trợ, gần 20 huấn luyện
viên, trọng tài cấp quốc tế… Từ các thuận lợi trên, cộng với sự cố gắng
ôn luyện của các võ sĩ dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên trưởng
Trương Ngọc Để, Taekwondo Việt Nam đã giành được nhiều kết quả quan
trọng trong các kỳ tranh tài quốc tế. Ngoài 11 chiếc huy chương vàng
tại 5 kỳ Seagames (1991-1999), 7 huy chương vàng Đông Nam Á, Taekwondo
Việt Nam còn chiếm được 2 huy chương vàng Asiad (Trần Quang Hạ – 1994,
Hồ Nhất Thống – 1998), 1 huy chương vàng Châu Á (Trần Hiếu Ngân –
1998), 3 huy chương đồng Thế Giới (Trần Quang Hạ, Trần Thị Mỹ Linh, Hồ
Nhất Thống), 2 nữ võ sĩ Nguyễn Thị Xuân Mai, Trần Hiếu Ngân đoạt được
vé bay đến Olympic Sydney (9/2000) và VĐV Trần Hiếu Ngân đã xuất sắc
giành được chiếc huy chương Bạc duy nhất cho đoàn thể thao Việt Nam tại
Thế Vận Hội này. Song song đó, Taekwondo Việt Nam cũng được tín nhiệm
đăng cai tổ chức giải Vô Địch Đông nam Á (1996), Vô Địch Châu Á (1998),
Cúp Các Câu Lạc Bộ Quốc Tế Lần 3 (1999), Cúp Taekwondo Thế Giới
(5/2001)…
Là thành viên của Liên Đoàn Thế Giới (WTF), đến tháng 12/1996, Liên
Đoàn Taekwondo Việt Nam được thành lập. Từ đó đến nay, Liên đoàn ngày
càng phát huy tác dụng của một tổ chức xã hội về thể thao, góp phần rất
quan trọng vào việc củng cố và đưa phong trào, thành tích của Taekwondo
Việt Nam trở thành một cường quốc của Châu Lục với khoảng 100 ngàn võ
sinh thường xuyên tập luyện trên phạm vi toàn quốc, trong đó có nhiều
đơn vị mạnh như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Phú
Yên, Đà Nẵng, Quân Đội…
|